Lệnh ngừng bắn 7 ngày giữa Israel và Hamas kết thúc hôm 1/12 sau khi các cuộc đàm phán trao trả con tin đi vào bế tắc và Tel Aviv cáo buộc đối phương vi phạm thỏa thuận. Quân đội Israel trong hai ngày qua nối lại các cuộc không kích,ươnglaichiếnsựtỷ lệ cược malay pháo kích ở Gaza, trong đó có các mục tiêu ở miền nam dải đất.
Theo cơ quan y tế Palestine ở Bờ Tây, trước lệnh ngừng bắn, cuộc chiến kéo dài gần 8 tuần đã khiến hơn 14.800 người ở Gaza thiệt mạng và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Với hơn 100 con tin hiện vẫn bị Hamas giam ở Dải Gaza, về mặt lý thuyết, thỏa thuận ngừng bắn có thể được khôi phục trong vài ngày tới nếu cả hai bên đồng ý gia hạn thêm đến khi con tin cuối cùng được thả. Tuy nhiên, khả năng này vẫn chưa rõ ràng, theo giới phân tích.
Những cuộc đàm phán với các bên hòa giải Qatar và Ai Cập về việc thả con tin đang tiếp tục được thực hiện, ngay cả sau khi Israel thông báo rằng họ sẽ nối lại chiến dịch tấn công tại Gaza, một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Israel đã phải trả "cái giá đắt" với thỏa thuận ngừng giao tranh, Yakov Amidror, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Jerusalem, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Netanyahu, nhận xét, đồng thời lưu ý rằng lệnh ngừng bắn "đã phá vỡ động lực chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và giúp Hamas có thêm thời gian tái tập hợp lực lượng".
"Chúng tôi hiểu điều này và chúng tôi sẵn sàng làm vậy vì đó là cái giá phải trả để giải cứu các con tin", ông nói, thêm rằng Israel đã chuẩn bị cho một chiến dịch quyết liệt hơn nhằm bù đắp cho quãng thời gian ngừng bắn.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuần qua tuyên bố Israel sẽ chiến đấu đến cùng. Chính phủ của ông đã thông báo cho Mỹ trước khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc rằng họ dự định chuyển trọng tâm chiến dịch sang phần phía nam Dải Gaza.
Benny Gantz, thành viên nội các thời chiến của Israel, hôm 29/11 cho biết giao tranh sẽ "mở rộng đến bất cứ nơi nào cần thiết trên khắp Dải Gaza".
Khi Israel nối lại chiến dịch tấn công, Mỹ đã yêu cầu họ tìm biện pháp giảm thiểu thương vong cho dân thường và không nên lặp lại quy mô tàn phá như những gì đã diễn ra gần hai tháng qua.
"Tôi nhấn mạnh yêu cầu của Mỹ rằng những thiệt hại lớn về nhân mạng và tình trạng người dân phải sơ tán với quy mô mà chúng ta đã chứng kiến ở miền bắc Dải Gaza không được phép lặp lại ở miền nam", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hôm 30/11 từ Tel Aviv.
Ngoại trưởng Blinken cho biết ông đã nói rõ với Israel rằng nước này phải đưa ra kế hoạch bảo vệ dân thường cùng các bệnh viện, nhà máy điện và cơ sở vật chất tại Gaza.
Thủ tướng Netanyahu đồng ý với yêu cầu trên, nhưng liệu Israel có thực hiện hay không lại là vấn đề khác. Các nhà phân tích cho rằng Israel chắc chắn sẽ tiếp tục tấn công với quy mô lớn cho đến khi Hamas bị đè bẹp và giao tranh lần này có thể khốc liệt hơn nhiều.
Frank Lowenstein, đặc phái viên về đàm phán Israel - Palestine dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định việc Tel Aviv có chú ý đến lời khuyên từ Washington hay không "sẽ là một dấu hiệu rất mạnh mẽ về mức độ ảnh hưởng thực sự của chúng ta đối với họ".
Nếu Israel tiếp tục chiến dịch tấn công ở miền nam như những gì đã làm tại miền bắc Dải Gaza, "điều này có thể dẫn đến những bất đồng ngày càng gay gắt với chính quyền Tổng thống Joe Biden", Lowenstein nói. "Do Israel có thể muốn tránh gây ra rạn nứt lớn trong công chúng nên có khả năng họ sẽ ít nhiều điều chỉnh chiến thuật trong giai đoạn tiếp theo".
Các quan chức chính quyền Biden đã thảo luận với những người đồng cấp Israel về cách bảo vệ dân thường sơ tán đến miền nam Gaza.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên, di chuyển dân thường từ miền nam trở lại miền bắc sau khi các hoạt động quân sự ở đó kết thúc là một trong các lựa chọn đang được thảo luận. Nhưng Israel không ít lần cảnh báo những người Palestine đã sơ tán không nên quay trở lại phía bắc, nhấn mạnh khu vực này vẫn chưa an toàn.
Phân tích ảnh vệ tinh cho thấy không rõ làm thế nào hàng trăm nghìn cư dân đã sơ tán có thể quay về miền bắc, khi khoảng một nửa số nhà cửa ở đây đã bị phá hủy hoàn toàn sau gần hai tháng giao tranh.
Hôm 1/12, IDF rải truyền đơn ở Khan Younis, thành phố lớn nhất ở miền nam Gaza, gọi đây là "khu vực giao tranh" và yêu cầu người dân "sơ tán ngay lập tức".
Gershon Baskin, cựu chuyên gia đàm phán con tin Israel, người từng đóng vai trò là kênh kết nối với Hamas, cho hay dân thường Gaza sẽ khó trở về nhà ở miền bắc vì hầu hết các khu dân cư ở đó "không thể sống được nữa". Song ông cũng không nhìn thấy viễn cảnh xung đột kết thúc nếu Israel chưa đưa quân xuống miền nam, đặc biệt là tới Khan Younis và Rafah, nơi Tel Aviv tin rằng nhiều thành viên cấp cao Hamas đang tập trung.
Riad Kahwaji, giám đốc điều hành Viện Phân tích Quân sự Cận Đông và Vùng Vịnh, công ty tư vấn chiến lược và an ninh ở Dubai, đánh giá nếu giao tranh nổ ra ở miền nam, tình hình "chắc chắn sẽ khác".
Theo Kahwaji, khu vực này có mật độ dân cư đông đúc. "Nó từng được chỉ định là vùng an toàn và Israel đã cho gần một triệu người Palestine ở miền bắc sơ tán về đây", ông nói.
Không rõ hoạt động quân sự của Israel ở miền nam sẽ diễn ra dưới hình thức nào, nhưng Kahwaji cho rằng Tel Aviv có thể gặp khó khăn trong việc duy trì ủng hộ từ phương Tây khi những hình ảnh đổ máu và tàn phá xuất hiện khắp Dải Gaza.
"Hình ảnh những tòa nhà bị phá hủy với trẻ sơ sinh thiệt mạng và phụ nữ bị kéo ra từ dưới đống đổ nát ở miền bắc Gaza đã làm hoen ố nghiêm trọng hình ảnh của Israel", ông cho hay.
Theo Baskin, với việc gia hạn thỏa thuận ngừng bắn, Hamas có thể đã hy vọng rằng áp lực quốc tế có thể thuyết phục Israel hủy chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng xã hội Israel hiện tại rất ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn Hamas.
Lowenstein, cựu đặc phái viên Mỹ, dự đoán trọng tâm trước mắt của Israel có thể là "thiết lập các khu vực an toàn và hành lang sơ tán cho dân thường ở miền nam". Nhưng chưa rõ mức độ khả thi của kế hoạch này, bởi hàng trăm nghìn dân thường mất nhà cửa đang phải sống trong một khu vực rất nhỏ.
"Các điều kiện nhân đạo vốn đã rất thảm khốc có thể sẽ còn khủng khiếp hơn nữa khi thời tiết xấu đi và tình hình y tế ngày càng tồi tệ hơn", ông nói thêm.
Kahwaji cho biết một yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến các tính toán quân sự của Israel là so sánh về lợi và hại giữa chiến dịch tấn công trên bộ với hoạt động không kích.
Israel trước đây chủ yếu dựa vào các cuộc không kích và tấn công chính xác khi đối đầu với Hamas nhằm tránh thương vong lớn cho quân đội. Nếu Israel quyết định tập trung tấn công trên bộ tại miền nam Dải Gaza, điều này sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các binh sĩ của họ.
"Chiến tranh đô thị là hình thức giao tranh khó khăn nhất", Kahwaji nói. "Nó được coi là địa ngục đối với bất kỳ người lính nào tham gia tấn công".
Amidror, cựu cố vấn của Thủ tướng Netanyahu, cho hay Israel sẽ làm những gì có thể để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường, nhưng họ không thể dừng chiến dịch chỉ vì Hamas sử dụng dân thường làm "lá chắn sống".
"Chúng ta hãy giả sử rằng không có cách nào để chiến đấu và tiêu diệt Hamas mà không gây hại cho dân thường", ông cho hay. "Lời khuyên của bạn là gì? Trao quyền bất khả xâm phạm cho Hamas vì họ đã rất thành công trong nỗ lực sử dụng dân thường làm lá chắn sống ư?".
"Theo quan điểm của chúng tôi, Hamas không thể nào có được quyền đó và chúng tôi sẽ hủy diệt họ", Amidror nhấn mạnh. "Nếu thường dân ở Gaza phải trả giá cho điều này, chúng tôi rất tiếc, nhưng câu hỏi về trách nhiệm nên được đặt ra cho Hamas".
Vũ Hoàng(Theo CNN)